Header Ads Widget

Responsive Advertisement

Mọi điều cần biết về Android Phần 2 : Bảo mật và tìm kiếm điện thoại Android bị mất

III. Những cách dễ dàng để bảo vệ điện thoại Android
Điện thoại Android là mục tiêu hấp dẫn cho những tên trộm và tin tặc. Tuy nhiên, bạn có thể tự vệ bằng cách thực hiện một số bước và biện pháp phòng ngừa sau.

1. Chú ý đến các quyền được cho phép của ứng dụng
Quyền được cho phép (permission) của ứng dụng là sự phòng thủ đầu tiên chống lại malware. Mỗi khi cài đặt ứng dụng, bạn sẽ thấy một cửa sổ pop-up liệt kê tất cả những gì của điện thoại mà ứng dụng được thiết kế để truy cập. Trong khi hầu hết mọi người bỏ qua cửa sổ pop-up này một cách vô thức và tiếp tục cài đặt, đôi khi nó rất đáng để khám phá xem, ứng dụng bạn đã tải về này sẽ sử dụng những dịch vụ nào, có thể khiến bạn mất tiền hay ảnh hưởng tới sự riêng tư hay không.
Trước đây, đọc hiểu các permission của ứng dụng là hơi khó, nhưng những phiên bản mới của Android khiến cho việc hiểu chúng dễ dàng hơn một chút. Bạn có thể chạm vào từng permission để tìm hiểu thêm và đưa ra quyết định tốt hơn. Thật không may, bạn không thể chọn chỉ chấp nhận một vài permission, vì vậy nếu ứng dụng muốn truy cập vào cái gì đó hơi nhay cảm, bạn phải chấp nhận tất cả yêu cầu của nó hoặc là tìm một ứng dụng khác.
Nhìn vào các quyền được cho phép (permission) có thể cho bạn biết rất nhiều về ứng dụng.

2. Chỉ tải về (download) ứng dụng từ cửa hàng Play Store
Bạn có thể cài đặt, chạy bất cứ phần mềm Android nào bạn thích trên smartphone của mình. Tuy vậy, có một thực tế khắc nghiệt là tải về và cài đặt các ứng dụng ngẫu nhiên tìm thấy trên Internet có thể dẫn đến rắc rối - ngay cả khi bạn đang rất cảnh giác.
Play Store có thể không có tất cả những ứng dụng “sáng láng”, nhưng đều đã được Google loại bỏ “cặn bã”.

Mặc dù trong quá khứ, cửa hàng Google Play Store có chứa nhiều ứng dụng độc hại nhưng Google đã thực hiện kiểm tra để làm sạch hầu hết loại này. Tuy Google Play Store không đáng tin cậy như App Store của Apple nhưng bạn vẫn sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Ngược lại, tải về ứng dụng từ một website ngẫu nhiên trên Internet sẽ mở dữ liệu - thậm chí là cả ví của bạn - cho tất cả các loại malware. Các ứng dụng Android nổi tiếng là dễ “vọc”, và tin tặc có thể sử dụng lại những ứng dụng phổ biến như Snapchat, Tinder để phân phối malware di động mà bạn không biết .
Bạn có thể tìm thấy một số ít cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba có uy tín, chẳng hạn như Amazon App Store hoặc F-Droid.

3. Cài đặt bộ phần mềm bảo mật
Nếu đang thực sự lo lắng về malware, bạn nên cài một bộ phần mềm bảo mật cho điện thoại của mình. Tìm kiếm với từ khóa “security” trên Play Store của Google trả về vài ngàn kết quả. Chúng tôi khuyên bạn nên tải về Lookout Mobile Security hoặc TrustGo Mobile Security - 2 ứng dụng được trung tâm thử nghiệm chống virus độc lập AV-Test xếp hạng khá cao về các tính năng và khả năng bắt malware.
Ngoài cảnh báo về các ứng dụng độc hại, ứng dụng bảo mật thường cung cấp cho bạn nhiều chức năng khác. Phần lớn các bộ phần mềm bảo mật di động cung cấp nhiều cách để sao lưu điện thoại, một số thì có thể giúp bạn xác định vị trí, khóa và xóa điện thoại bị đánh cắp từ xa.
Lookout và các ứng dụng bảo mật khác thường làm nhiều hơn là chỉ quét điện thoại để tìm virus.

4. Khóa điện thoại lại
Màn hình khóa có thể gây phiền nhiễu nếu bạn thường xuyên dùng điện thoại của mình (vì bạn sẽ phải nhập mã hoặc vuốt màn hình để mở khóa - pattern - mỗi khi bạn lấy điện thoại ra khỏi nơi để).
Tuy nhiên, nếu bạn không muốn người tìm thấy điện thoại xem email, địa chỉ liên lạc và những thông tin cá nhân khác của mình, mã khóa là rất quan trọng. Để bảo mật một cách lý tưởng, hãy thiết lập mã PIN hoặc Pattern trên điện thoại để khóa nó lại là 2 trong những cách dễ nhất để đảm bảo an toàn cho thiết bị của bạn. Làm như vậy sẽ khiến những người bạn tò mò không đọc được tin nhắn của bạn, làm cho bọn trộm khó xóa dữ liệu và bán lại điện thoại hơn.
Android có sẵn một số màn hình khóa, nhưng dùng mã PIN là an toàn nhất.

Bạn có thể thiết lập màn hình khóa trên điện thoại của mình bằng cách vào Settings > chọn tùy chọn Security & Screen Lock. (Xem chi tiết trong tạp chí PC World VN số tháng 9/2013, trang 88). Lưu ý rằng, những kẻ tấn công và rình mò có thể phá khóa Pattern bằng cách lần theo những vệt mà bạn để lại trên màn hình, do đó dùng mã PIN là cách an toàn nhất.5. Tạo ra thông điệp màn hình khóa
Android cho phép bạn tạo ra thông điệp sẽ xuất hiện trên màn hình khóa của mình. Mở ứng dụng Settings > chọn mục Security > chạm vào tùy chọn Owner info (thông tin chủ sở hữu).
Ở đây, bạn có thể nhập vào thông tin liên hệ của mình. Nếu bạn bị mất điện thoại và nó rơi vào tay một người tốt, họ sẽ biết được nơi trả lại điện thoại. Bạn còn có thể đưa vào bất kỳ loại thông điệp bạn muốn nào trên màn hình này - ví dụ, bạn có thể thử đưa thông tin nói rằng bạn sẽ hậu tạ nếu điện thoại được trả lại. Hy vọng điều này sẽ khuyến khích những người trung thực-nhưng-lười biếng để sẽ bỏ công đến nhà để trả lại điện thoại cho bạn.
Ví dụ về thông điệp màn hình khóa

6. Đối với dữ liệu kinh doanh nhạy cảm: Hãy mã hóa nó
Hầu hết mọi người sẽ không cần mã hóa smartphone Android của họ. Tuy nhiên, nếu bạn có các dữ liệu tài chính/kinh doanh nhạy cảm trên điện thoại và không muốn nó sẽ rơi vào tay kẻ xấu, bạn nên mã hóa dữ liệu của điện thoại.
Mã hóa điện thoại sẽ làm bọn trộm khó mà phục hồi dữ liệu của bạn - ngay sau khi đoán ra khóa mã hóa hoặc mã PIN mở khóa, chúng sẽ phải sử dụng tấn công kiểu freezer attack để vượt qua sự mã hóa của bạn - mà tấn công kiểu freezer attack hiếm khi xảy ra trong thế giới thực.
Nếu bạn muốn mã hóa chiếc điện thoại đang chạy phiên bản Android 4.3 “Jelly Bean”,  hãy chạm vào nút “Encrypt phone” ở màn hình trên. Nếu chưa thiết lập mã PIN hoặc mật mã cho điện thoại, đầu tiên bạn sẽ thấy cảnh báo để thiết lập mật mã.
Mã hóa chiếc điện thoại đang chạy Android

Để thiết lập mật mã hoặc mã PIN, hãy trở lại Settings>Security và chạm vào Screen lock ở phía trên cùng của trang. Từ đó, chọn tùy chọn để đặt mã PIN hoặc mật khẩu. Android cho phép mã PIN có nhiều hơn 4 chữ số.
Sau khi bạn đã thiết lập mã PIN hoặc mật khẩu, hãy trở lại trang mã hóa và chạm vào Encrypt phone một lần nữa.
Bạn sẽ được yêu cầu nhập mã PIN của mình và nếu thực sự muốn mã hóa điện thoại, hãy chạm vào nút “Encrypt phone” lần cuối cùng rồi ngồi chờ điện thoại thực hiện mã hóa. Trong quá trình này, điện thoại có thể khởi động lại nhiều lần. Đừng chạm vào nó cho đến khi bạn thấy màn hình trở lại khóa .

7. Cấu hình sao lưu tự động

Bạn nên đảm bảo rằng, các dữ liệu quan trọng được tự động sao lưu từ điện thoại Android của mình. Điện thoại có thể thay thế được, nhưng hình ảnh, tài liệu và những dữ liệu cá nhân quan trọng khác thì thường không thể được thay thế.
Theo mặc định, Android tự động đồng bộ dữ liệu như địa chỉ liên lạc, lịch sự kiện. Bạn cũng sẽ muốn cấu hình một ứng dụng (như Google+, Dropbox để tự động sao lưu các bức ảnh của mình, do đó bạn có nhiều bản sao chứ không chỉ có trên điện thoại. Hãy đảm bảo rằng, từng loại dữ liệu quan trọng trên điện thoại của bạn sẽ tự động được sao lưu.
Cấu hình ứng dụng Google+ để tự động sao lưu

IV. Sử dụng Tasker để tự động hóa điện thoại Android
Tasker cho Android cho phép bạn tự động hóa hầu như mọi thứ trên điện thoại của mình. Nó khá phổ biến trên Android, mặc dù chỉ có phiên bản trả tiền.

1. Các biệt ngữ: bối cảnh, nhiệm vụ và hồ sơ
Để dùng ứng dụng Tasker (tìm kiếm ứng dụng từ cửa hàng Google Play bằng cách chép câu truy vấn đươc bôi đen sau vào ô tìm kiếm của trang Google.com: Tasker site:play.google.com > nhấn Enter > nhấp chuột vào kết quả), bạn cần phải biết biệt ngữ của nó. Tasker theo dõi điện thoại của bạn theo bối cảnh (context), thực hiện nhiệm vụ (task) dựa trên chúng. Hồ sơ (profile) là sự kết hợp của bối cảnh và nhiệm vụ.
Giả sử bạn muốn tự động kích hoạt chế độ im lặng lúc 10 giờ tối hàng ngày. Bạn phải tạo ra nhiệm vụ kích hoạt chế độ im lặng và liên kết nó với bối cảnh định rõ là 10 giờ tối. Khi đồng hồ điểm 10 giờ tối, Tasker sẽ đặt điện thoại của bạn vào chế độ im lặng.
Ví dụ về hồ sơ

2. Tạo ra hồ sơ đầu tiên
Ví dụ, chúng ta hãy tạo ra một hồ sơ đơn giản: mở ứng dụng chơi nhạc khi bạn cắm tai nghe. Đầu tiên, hãy chạm vào nút + trên tab Profiles của Tasker.
Chạm vào nút + trên tab Profiles

Chúng ta đang tạo ra sự kiện mà cần xảy ra khi tai nghe được cắm vào, do vậy hãy chọn State >Hardware >Headset Plugged.
Chọn State > Hardware……
…… rồi chọn Headset Plugged

Sau khi chọn bối cảnh của mình, bạn sẽ có thể tùy chỉnh nó thêm. Ở đây, chúng ta có một số tùy chọn để lựa chọn như Type (chọn loại tai nghe, có mic hay không), Invert (sẽ tạo ra bối cảnh xảy ra khi bạn rút giắc cắm tai nghe). Điều này cho thấy Tasker linh hoạt như thế nào: các thiết lập mặc định chỉ ra hồ sơ xảy ra bất cứ khi nào có tai nghe được cắm vào, nhưng chúng ta cũng có thể dễ dàng tinh chỉnh và tạo ra bối cảnh chỉ xảy ra khi rút các tai nghe có micro tích hợp.
Sau khi hoàn tất tùy biến các thiết lập này, hãy chạm vào nút Back (quay lại) ở góc trên bên trái của màn hình.
Một số tùy chọn để lựa chọn như Type, Invert

Bây giờ bạn đã thiết lập xong bối cảnh. Tasker sẽ cho phép bạn chọn nhiệm vụ - chạm vào New Task để tạo ra nhiệm vụ mới và liên kết nó với bối cảnh. Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp tên cho nhiệm vụ của mình.
Chạm vào New Task để tạo ra nhiệm vụ mới

Chạm vào nút + trên màn hình tiếp theo để thêm hành động. Nhiệm vụ đơn giản có thể chỉ có một hành động duy nhất, trong khi nhiệm vụ phức tạp hơn có thể liên quan đến nhiều hành động.
Chạm vào nút + để thêm hành động

Ở đây chúng ta muốn mở ứng dụng, vì vậy chọn App > Load App và sau đó chọn ứng dụng chơi nhạc ưa thích.
Tùy vào hành động đã chọn, bạn sẽ thấy các tùy chọn thêm có thể tùy chỉnh. Do không cần tùy chỉnh bất kỳ thiết lập nào ở đây, vì vậy chúng ta chỉ cần chạm vào nút Back ở góc trên bên trái của màn hình để tiếp tục.
Chọn App > Load App để mở ứng dụng
Các tùy chọn thêm

Giờ đây chúng ta có nhiệm vụ đơn giản, thực hiện một hành động duy nhất. Bạn có thể thêm các hành động bổ sung và Tasker sẽ thực hiện chúng theo thứ tự - thậm chí bạn còn có thể thêm hành động Wait để buộc Tasker chờ đợi trước khi thực hiện hành động tiếp theo trong danh sách.

3. Đây chỉ là sự bắt đầu
Có rất nhiều điều bạn có thể làm với Tasker, bao gồm:
•  Cài đặt các plug-in của Tasker, có thể thêm hồ sơ và hành động của chúng, cho phép Tasker làm nhiều việc hơn và tích hợp với các ứng dụng khác.
•  Sử dụng tab Scenes trong giao diện để tạo scene (chuỗi hoạt động liên tục). Scenes cho phép bạn tạo ra các giao diện tùy chỉnh mà có thể yêu cầu thông tin từ người sử dụng, hiển thị những thông tin khác.
•  Thiết lập nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn liên quan đến các biến, điều kiện, và vòng lặp.
•  Sử dụng Tasker App Factory để biến các hành động Tasker của bạn thành những ứng dụng Android độc lập mà bạn có thể phân phối.